thiết kế nội thất
Với gần 3 năm kinh nghiệm, tiêu tốn nhiều tiền bạc, thời gian và công sức để có thể sở hữu một vườn hoa tràn ngập hương sắc quanh năm, chị Hồng Thanh đã có những chia sẻ rất chân thành với độc giả về cách trồng cũng như chăm sóc các loại hoa.
- Khu vườn yên tĩnh ngập tràn sắc hoa của mẹ Việt tại Mỹ
- Sân vườn cực đẹp với 5 loại hoa hồng ngoại dễ trồng
- Làm đẹp vườn và trang trí nhà với hoa hồng sa mạc
Ấn
tượng đầu tiên của bạn khi bước vào ngôi nhà của chị Hồng Thanh, giáo
viên trường PTTH Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh) là một không gian ngập
tràn hương sắc cỏ hoa. Bắt đầu trồng hoa từ năm 2013, đến nay vườn hoa
của chị đã có một bộ sưu tập đẹp mắt như dạ yến thảo, phong lữ, hồng
leo, thanh trúc, cẩm tú cầu, dâm bụt (râm bụt),… đủ sắc màu và chủng
loại.
Những giỏ hoa đủ loại treo từ ban công cực kỳ mềm mại, quyến rũ.
Trồng
cây đã khó, chăm sóc sao cho chúng trổ hoa thật đẹp lại càng khó khăn.
Nó đòi hỏi người trồng phải có một tình yêu lớn, một niềm đam mê thực sự
chứ chỉ thích thôi thì chưa đủ. Với gần 3 kinh nghiệm trồng hoa, tiêu
tốn nhiều tiền bạc, thời gian và công sức, chị Hồng Thanh đã có những
chia sẻ rất cởi mở với chúng tôi về cách trồng cũng như chăm sóc. Hy
vọng sẽ giúp ích cho những chị em đang và sắp có ý định trồng hoa.
Từng góc sân nhà chị lúc nào cũng rực rỡ sắc hoa tươi thắm.
Để bắt đầu trồng cây thì về cơ bản cần phải chuẩn bị những gì thưa chị?
Có
thể nói, để trồng cây thì khâu chuẩn bị là vô cùng quan trọng. Từ cây
giống, đất trồng cho đến điều kiện ánh sáng. Đất phải tơi xốp, giàu dinh
dưỡng, sạch bệnh, có thể kết hợp đất, trấu, xơ dừa, phân đầu trâu NPK
hoặc phân vi sinh. Khi tận dụng đất cũ phải phun thuốc xử lý bệnh (nếu
có).
Bạn nên chọn những cây cành lá xanh tốt,
gốc khỏe, có độ cứng cáp nhất định. Khi mua bầu cây phải kiểm tra kỹ
càng. Không chọn những bầu cây có ngọn, cành hoặc lá héo quắt hoặc gốc
cây bị thâm vì tỉ lệ chết rất cao, chưa kể sẽ lây bệnh cho cây trong
vườn nhà. Ánh sáng cũng là điều kiện tiên quyết để cây ra hoa đẹp. Dù là
hoa mùa hè hay mùa thu - đông thì đa phần đều ưa nắng, vậy nên bạn luôn
để chậu cây ở những vị trí đón được nhiều nắng nhất.
Khi trồng cây thì vấn đề nhanh chóng phát hiện bệnh là rất quan trọng. Chị có thể chia sẻ về điều này?
Đây
được xem là phần khó nhất, mình đã phải mất một thời gian dài mới có
thể nhận biết một số loại bệnh vì trong vườn mình trồng rất nhiều loại
hoa. Mình có thể ví dụ vài trường hợp sau:
Hoa dạ yến thảo,
dừa cạn, thanh trúc: loại bệnh thường gặp là nấm. Biểu hiện: ngọn cây,
cành, lá héo lại và có màu đen khói. Nếu trong quá trình chăm sóc, tưới
cây không cẩn thận để đất bị ẩm quá thì cây sẽ úng rễ, gốc. Nếu biết
cách chữa thì cây sẽ khỏi, còn không tỉ lệ chết là 100%.
Phong
lữ thảo đứng, phong lữ thảo rủ, hoa hồng, cẩm tú cầu: Bệnh thường gặp
là bệnh rỉ sắt. Biểu hiện: lá, ngọn cây bị héo khô đen lại (khá giống
với biểu hiện bệnh nấm, nhưng lại là 2 bệnh khác nhau. Mình đã kiểm tra
thử bằng việc phun thuốc nấm nhưng vô hiệu). Bệnh rỉ sắt không làm cây
chết nhưng khiến cây phát triển kém, lá thưa thớt dần, hoa ra ít, lại có
khả năng lây lan sang các loại cây thân gỗ với tốc độ khá nhanh.
Hoa hồng cũng đa dạng: hồng đỏ, hồng phấn, hồng trắng.
Cây
dâm bụt (râm bụt), sam, mười giờ: Thường hay bị muội, là những con rệp
màu trắng bám vào những ngọn cây và sinh sôi rất nhanh. Kết quả làm cho
cây phát triển rất kém, ngọn cây, hoa teo, sun lại dần và cuối cùng là
không thể ra hoa.
Bộ sưu tập dâm bụt Thái, dâm bụt Nhật, dâm bụt kép vàng.
Nếu trường hợp cây đã phát bệnh thì chúng ta cần phải xử lý ra sao?
Có
lần mình trồng cây đang lên đẹp thì bị lây bệnh từ những bầu cây nhỏ
mới mua về, cây bệnh nặng dần và chết. Vì tình yêu cây cối với mình quá
lớn và một phần do “cay cú” nên mình quyết tâm tìm thuốc chữa bệnh. Tìm
và thử đủ các loại thuốc của nhiều hãng để rồi tìm ra loại phù hợp nhất,
có loại khan hiếm nên phải mua để dành dự trữ.
Bệnh nấm: mình
dùng loại thuốc có thành phần Metalaxyl 25% để phun, mỗi tuần một lần.
Với bệnh úng rễ, dùng loại phân siêu ra rễ để hòa nước tưới là ổn. Bệnh
úng gốc thì phức tạp hơn, phải hòa thuốc nấm với loại phân vi lượng chứa
nhiều Canxi rồi phun vào gốc, tuần hai lần và chỉ chữa được lúc cây
bệnh nhẹ.
Những bông hoa mang tên Thanh tú xinh xinh nhỏ nhắn.
Hoa sam màu đỏ, vàng xen lẫn tạo nên sự nổi bật, tươi tắn.
Bệnh
rỉ sắt: mua loại thuốc chuyên trị về phun là được. Tuy nhiên, thuốc
chữa cho cây cũng có rất nhiều loại nên phải nhớ tên loại thuốc mà mình
thấy có tác dụng tốt nhất.
Bệnh muội rệp trắng: loại thuốc
chữa bệnh này rất sẵn, nên mình chỉ cần ra cửa hàng bán phân bón, thuốc
chữa bệnh và mô tả bệnh là họ biết ngay.
Còn việc bổ sung phân bón cho cây thì chị lựa chọn và sử dụng như thế nào?
Nhiều
người muốn cây lớn nhanh, ra hoa đẹp nên đã sử dụng phân bón để thúc
đẩy quá trình phát triển. Điều này rất quan trọng, ban đầu mình cũng suy
tư khá nhiều về việc chăm cây, nhưng khi quen rồi thì thấy cũng đơn
giản.
Nếu bạn đã xác định trồng cây lâu dài thì trong nhà lúc
nào cũng phải có các loại thuốc chữa bệnh, phân kích rễ, kích hoa, kích
lá, phân đầu trâu NPK, phân đạm, phân vi sinh cho cây cảnh. Phân kích rễ
tưới 1 lần/ tuần sẽ giúp bộ rễ phát triển tốt. Phân đạm tưới 1 - 2 lần/
tháng giúp cây phát triển cành lá. Phân đầu trâu hoặc phân vi sinh hòa
nước tưới mỗi tuần 2 lần. Phân kích hoa phun 2 lần/tuần.
Mỗi ngày, chị Thanh đều dành thời gian để chăm sóc vườn hoa.
Những
kinh nghiệm này là do mình đúc kết từ quá trình trồng cây thực tế tại
nhà, dĩ nhiên khi áp dụng cần có sự linh hoạt thay đổi cho phù hợp. Điều
quan trọng là bạn phải có tình yêu và sự kiên trì. Muốn có một vườn hoa
đẹp đòi hỏi gia chủ phải biết sắp xếp khu vườn một cách khoa học, luôn
giữ gìn khu vườn thật sạch sẽ, thường xuyên thăm nom cây cối để có thể
phát hiện sớm các loại bệnh.
Cảm ơn chị Hồng Thanh với những
chia sẻ rất tỉ mỉ. Chúc chị luôn tìm thấy niềm vui trong công việc giảng
dạy cũng như chăm sóc cho khu vườn nhỏ của mình ngày càng phong phú và
đẹp mắt!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét