Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Những vách ngăn “nửa kín nửa hở” cho nhà hẹp luôn thông thoáng

(Emdep.vn) – Vách ngăn trong nhà không chỉ sử dụng để phân chia các khu vực chức năng, mà còn có thể trở thành điểm nhấn ấn tượng cho không gian nhờ tài khéo léo chọn lựa của bạn.

thiết kế nội thất nhà hàng

Không chỉ những ngôi nhà phố mà ở những căn hộ chung cư, việc sử dụng vách ngăn trở thành phương án vô cùng hợp lý và tiện lợi, giúp tổ ấm của bạn thêm rộng rãi và thông thoáng. Với sự đa dang về chất liệu và kiểu dáng, vách ngăn sẽ luôn là sự lựa chọn tuyệt vời giúp không gian đẹp hơn, sang hơn, đồng thời các khu vực chức năng luôn đảm bảo được sự riêng tư cần thiết.
Những vách ngăn 'nửa kín nửa hở' cho nhà hẹp luôn thông thoáng
Với những căn hộ hay nhà phố có diện tích nhỏ hẹp, việc xây hẳn một vài bức tường kiên cố, vững chãi để ngăn chia là giải pháp ít được sử dụng. Thường thì những vách ngăn bằng chất liệu nhẹ, thoáng, có thể khuếch tán được ánh sáng, lưu thông không khí từ góc này đến góc khác sẽ được đại đa số các gia đình lựa chọn.

1. Vách ngăn gỗ

Để phân chia không gian hoặc tạo một căn phòng với chức năng riêng biệt, ví dụ như phân chia phòng ăn với bếp nấu, phòng ngủ với nơi làm việc… bạn có thể nghĩ ngay đến việc sử dụng vách ngăn gỗ. Những thanh gỗ được kết nối liền mạch với khoảng cách nhất định, được lắp đặt cố định ở vị trí cần ngăn chia. Sự có mặt của vách ngăn gỗ với kích thước nhỏ gọn, kiểu dáng thanh thoát, màu sắc nhẹ nhàng chắc chắn sẽ không khiến không gian chật chội hơn, mà còn tạo vẻ đẹp thanh thoát, ấn tượng cho góc nhỏ của gia đình.

2. Vách ngăn bằng kệ đựng đồ

Kệ đựng đồ cũng là một trong những giải pháp hữu ích, vừa giúp cất trữ vô vàn vật dụng, tài liệu, đồ trang trí giúp căn phòng luôn gọn gàng, ngăn nắp, vừa giúp các khu vực chức năng được phân chia hợp lý, tiện lợi cho việc sử dụng. Tùy vào diện tích của không gian cũng như nhu cầu tạo ra những khu vực chức năng, để bạn có thể ước lượng kích thước của kệ.
Thông thường, trong những không gian có diện tích khiêm tốn, những loại kệ với kích thước chia nửa chiều rộng, có chức năng ngăn chia không gian và tạo sự thông thoáng cho lối đi lại sẽ được nhiều gia đình lựa chọn. Bên cạnh đó, với ưu điểm giúp ánh sáng luôn tràn ngập trong từng ngóc ngách, bạn nên chọn lựa loại kệ có các ô đựng đồ rộng rãi, và tránh việc đặt quá nhiều đồ đạc, vật dụng khiến chiếc kệ biến thành kho để đồ, đồng thời mất đi vẻ đẹp tinh tế, thoáng sáng của không gian.

3. Vách ngăn kim loại nghệ thuật

Loại vách ngăn bằng kim loại với những họa tiết, hình uốn kiểu nghệ thuật, thường được sử dụng chủ yếu để tăng thêm tính thẩm mỹ, ấn tượng cho không gian, ít sử dụng với chức năng ngăn chia các khu vực. Tuy nhiên, sự có mặt của vách ngăn kim loại, sẽ giúp mọi người “tự nhận thức” được hai khoảng chức năng khác nhau được ngăn cách bởi sự hờ hững, mềm mại từ những hình uốn đẹp mắt này.

4. Vách ngăn từ kính

Kính là vật liệu được ưu ái sử dụng khá nhiều ở những không gian hiện đại, không chỉ giúp căn phòng mang vẻ đẹp thanh thoát hơn, mà còn mang lại sự thông thoáng, dễ thở hơn cho những không gian hẹp. Để ngăn chia một vùng không gian chức năng tách biệt với các khu vực khác, bạn có thể “nhờ vả” đến những vách ngăn kính trượt. Với ưu điểm nhỏ gọn, kín đáo, sử dụng vách ngăn kính trượt giúp tách biệt khoảng không gian riêng tư khi cần thiết, và cũng giúp kết nối với các không gian khác chỉ với thao tác xếp gọn gàng các vách kính lại.

5. Vách ngăn kính màu

Bên cạnh loại kính trượt, tạo vách ngăn di động, bạn có thể tăng thêm vẻ đẹp thẩm mỹ, ấn tượng cho không gian bằng vách kính cố định. Với họa tiết, màu sắc đa dạng, bạn có thể dễ dàng lựa chọn cho không gian nhỏ xinh nhà mình một tấm kính phù hợp. Khi chọn kính cố định, bạn nên lựa chọn vách lửng, tạo khoảng thông hơi cho kính và trần, giúp không gian luôn được tách biệt nhưng vẫn giữ được sự lưu thông không khí, sự thông thoáng cần thiết ở những không gian nhỏ.

6. Vách ngăn từ rèm cửa

Rèm cửa được lắp đặt khá dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi. Rèm cửa còn có ưu thế làm mới không gian khi bạn có ý định thay đổi một chiếc rèm mới, và giúp không gian được mở một cách tối đa khi kéo rèm gọn gàng. Bởi vậy, khi cần phân chia khu vực chức năng khác nhau, bạn có thể xem xét việc sử dụng rèm. Cũng tùy thuộc vào việc muốn không gian ngăn chia một cách riêng tư tách biệt hay chỉ đơn thuần là ngăn chia hai khu vực trong cùng một căn phòng để bạn lựa chọn độ dày mỏng của rèm.

7. Vách ngăn nhựa nghệ thuật

Bên cạnh các chất liệu kính, gỗ, kim loại… thì vách ngăn bằng nhựa cứng với đường nét nghệ thuật nhẹ nhàng, vừa tách biệt hai không gian cần thiết, vừa giúp căn hộ trở nên đẹp xinh, duyên dáng. Để tăng thêm nét ấn tượng, bắt mắt cho không gian, bạn có thể sử dụng đèn LED dài lắp đặt ở phần trên và dưới của vách ngăn. Khi màu sắc của vách ngăn kết hợp hài hòa với ánh sáng của đèn, mang lại nét đẹp tinh tế, hiện đại cho không gian nhà bạn.

8. Vách ngăn dạng cửa chớp

Không cầu kỳ về chất liệu cũng như màu sắc, vách ngăn dạng cửa chớp thường được sử dụng trong những không gian cần chia tách các khu vực chức năng riêng biệt, đảm bảo sự riêng tư cho nhiều hoạt động sinh hoạt đồng thời trong cùng một căn hộ. Với các thanh xếp chéo liền nhau vừa tạo sự kín đáo, vừa tạo sự thông thoáng cần thiết, cũng là lựa chọn tối ưu cho những không gian nhỏ.

9. Vách ngăn thạch cao

Vách ngăn thạch cao với ưu điểm lắp đặt khá tiện lợi, nhanh chóng với trọng lượng nhẹ, khung xương chịu lực tốt, có thể chịu nước, cách âm, chịu nhiệt, chống cháy… giúp các hoạt động sinh hoạt hàng ngày được an toàn hơn. Nếu không muốn sử dụng loại vách ngăn đơn thuần, bạn có thể “để mắt” tới loại vách ngăn thạch cao có đường nét, kiểu dáng nghệ thuật, tăng nét đẹp sang trọng, hiện đại và tính thẩm mỹ cho không gian.

10. Vách ngăn bằng bình phong

Sử dụng bình phong làm vách ngăn “lơ lửng” trong bất kỳ không gian nào, như phòng khách, phòng ngủ, phòng tắm… sẽ giúp tạo nên khoảng diện tích nhỏ xinh riêng tư, tách biệt với chức năng phù hợp. Ví dụ tách góc làm việc với nơi tiếp khách trong phòng khách, tách góc thay đồ với giường trong phòng ngủ, tách khu vực vệ sinh với nơi tắm rửa trong phòng tắm… Bên cạnh đó, chọn lựa kiểu dáng, màu sắc của bình phong sẽ giúp không gian đẹp một cách hài hòa, cân đối.
Lục Bảo
Nguồn ảnh: Tổng hợp
(Theo Congluan)
Xem thêm:
Thoải mái và ấm cúng trong căn hộ nhỏ 33 m2
Khu vườn nhỏ xinh, xanh mát nhờ tận dụng đồ tái chế
Cải tạo nhà cũ giữa lòng thành phố hiện đại
Trầm trồ với những thiết kế phòng tắm siêu sang cho căn hộ

Bài liên quan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét