GiadinhNet – Vụ bồn nước rơi từ nóc nhà 4 tầng xuống làm sập mái tôn nhà trọ bên cạnh, gây tử vong bé gái 8 tháng tuổi đã khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Bồn nước là vật dụng chứa nước không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà. Các chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn đọc cách để lắp đặt bồn nước inox một cách an toàn.
Bồn nước chi chít trên tầng thượng của các gia đình. Ảnh: T.L
Những mạng người oan uổng vì “bom nước”
Những vụ rơi bồn nước liên tục xảy ra gần đây, đang là hồi chuông cảnh báo về việc lắp đặt bồn chứa nước gây mất an toàn hiện nay. Mới nhất ngày 4/9 bé gái Phạm Ngô Quỳnh Ngân, 8 tháng tuổi, đã bị bồn nước từ ngôi nhà 4 tầng rơi xuống gây tử vong.
Trước đó, ngày 11/9/2014 tại Trường Tiểu học Diễn Tháp (ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) bồn nước inox 1.500 lít có giá sắt được để trong khuôn viên trường bất ngờ đổ khiến hai học sinh gần đó tử vong, một em khác bị thương. Công an huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Còn tại Vĩnh Phúc, ngày 13/6/2012, cụ bà Nguyễn Thị Mầm (SN 1935, ở thôn Thanh Lanh, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đang rửa cốc chén thì bị chiếc bồn chứa nước loại dung tích 1.000 lít rơi từ trên nóc nhà tắm xuống, đè chết. Người nhà cho biết, đã mua chiếc bồn nước này từ tháng 5/2011, bảo hành là 10 năm kể từ ngày mua, nhưng chưa hết thời hạn bảo hành thì bồn đã đổ sập.
Các lỗi thường gặp ở nhà dân khi đặt bồn nước trên cao
Người dân thường mua bồn nước rồi tự lắp đặt không tuân theo tiêu chuẩn nào. Anh Lê Thiều – một thợ nề ở Phúc Thọ (Hà Nội) chia sẻ: Nhiều gia chủ đặt mua bồn nước, người bán chở bồn và chân đế tới, lắp đặt là do thợ nề và thợ điện nước làm, không phải thợ chuyên nghiệp lắp đặt. Có nhà thợ nề thấy không an toàn nếu đặt bồn nước nặng lên, nhưng gia chủ vẫn đòi lắp đặt. Có nhà ham rẻ mua bồn nước cũ ở các cửa hàng bán đồ gia dụng không có chân đỡ, nếu có thì chân sắt gỉ sét, mối hàn vừa gia cố thêm nên thợ nề phải chêm thêm gạch giúp họ.
Gần đây, anh Thiều cũng vừa gia cố chống thấm trần cho một nhà ở khu tập thể, bởi trên nóc hộ này là bồn nhựa khổng lồ chứa nước cho cả khu tập thể, vì quá lâu năm nên trần võng, thấm dột khiến họ lại phải tự chống thấm. Chỉ cần lên tầng cao nhìn xuống, thấy các nhà chung cư, khu tập thể tầng trên cùng la liệt bồn nước 500 – 1.500 lít lắp đặt đủ kiểu đứng, nằm… Tuy mỗi mét vuông sàn có thể chịu khoảng 700kg, nhưng nếu bồn nước lắp đặt không đúng chuẩn, mỗi bồn 1.000 – 2.000 lít thì khi tích nước sẽ nặng 1 – 2 tấn, một trần nhà sẽ phải chịu tải thêm hàng chục tấn nữa (nếu là khu nhà 5 tầng), tự lắp đặt không đúng chuẩn thì nhẹ nhất hộ trên cùng bị thấm nước, nếu trần võng xuống thì rất có thể một ngày nào đó “bom nước” sẽ gây tai họa.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tường, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, trong quản lý xây dựng có cấp phép cho nhà nhưng bồn nước lắp ở đâu, chỗ nào, chứa đựng ra sao… chưa ai quan tâm và chưa có quy định mua bảo hiểm bồn nước để nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, nâng cao trách nhiệm người sử dụng và nâng cao ý thức với cộng đồng.
Theo KTS Nguyễn Xuân Thắng (TP Hồ Chí Minh), các chung cư, nhà cao tầng kiên cố xây dựng gần đây bồn nước lắp đặt đều được tính toán thiết kế chịu lực và kết cấu công trình đúng theo thiết kế kỹ thuật. Nhưng thực tế trên nóc của nhiều tòa nhà đô thị, các khu tập thể cũ, nhà riêng, người dân đều chủ quan, lắp đặt bồn chứa nước tự phát theo cách thức đơn giản, rất nguy hiểm khi có gió mạnh vì dễ bị đổ.
Các lỗi hay gặp là dùng các vật dụng khác kê chân bồn, lắp đặt bồn nước trên địa hình không bằng phẳng, chân đế lắp đặt bồn nước thường được hàn, lâu năm các mối hàn rất dễ bung… khi có gió to rất dễ bị đổ và gây nguy hiểm.
Cách chọn và lắp đặt bồn nước an toàn
Theo ông Nguyễn Nam, kỹ sư tư vấn Công ty Cổ phần SXKD Toàn Mỹ, khi có nhu cầu sử dụng bồn nước, bạn hãy chọn và lắp đặt bồn nước an toàn dựa trên những lưu ý, đó là: Chọn bồn nước inox và vị trí lắp đặt bồn nước phù hợp. Để chọn bồn nước inox đúng cách cần lưu ý một số điểm chính sau:
Về kiểu dáng bồn: Bồn đứng áp lực nước tốt nhưng với các ngôi nhà cao tầng hay tháp chứa nước thì nên chọn các loại bồn nước inox kiểu nằm ngang vì nó giúp cho bồn nước an toàn hơn, có thể chịu được các tác động từ thiên nhiên như sức gió hay động đất.
Về dung tích: Không nên chọn các loại bồn nước có dung tích vượt quá so với khả năng chịu lực của mái nhà, tháp, trụ gia cố… vì vượt tải vị trí lắp đặt có thể khiến cho mái nhà bị sập, bồn nước bị rơi khỏi vị trí lắp đặt gây nguy hiểm khôn lường.
Về vị trí lắp đặt:
– Vị trí lắp đặt bồn nước phải bằng phẳng và có khả năng chịu lực cao hơn từ hai đến bốn lần trọng tải của bồn nước.
– Điểm tiếp xúc của mặt chân đế với mái nhà hoặc nơi đặt bồn nước phải đảm bảo đủ độ cứng nhất định, chịu được lực tốt giúp cho bồn nước thăng bằng và có cảm giác chắc chắn nhất.
– Ngoài ra, không lắp đặt bồn nước inox ở vị trí:
+ Không lắp đặt trên, sát so với mép tường, mép trần, mép lan can.
+ Không lắp đặt trên bề mặt gồ ghề, không đủ trọng tải chịu lực, vị trí lắp đặt không liền khối và bằng phẳng.
+ Không kê gạch, đá, gỗ… mặt phẳng vị trí lắp đặt phải cứng, không bị biến dạng suốt thời gian để bồn.
+ Không lắp đặt phía trên gần lối đi, cửa ra vào, nơi có nhiều người qua lại bởi vị trí này có thể gây nguy hiểm cho mọi người nếu bồn nước inox gặp phải sự cố không mong muốn.
Kỹ thuật lắp đặt: Toàn bộ đáy bồn nước hoặc chân đế phải nằm trên một mặt phẳng cố định không được tách rời mà phải dính liền với nhau, song song so với mặt đất. Ngoài ra, cần định vị chân bồn nước với thân bồn nước, bồn nước với mái nhà hoặc mặt phẳng nơi đặt bồn nước một cách chắc chắn bằng bu lông.
Với các bồn nước đặt trên các tòa nhà cao tầng, sức gió mạnh thì có thể trang bị thêm dây đai bao quanh bồn nước.
Phải lắp đặt bồn vào đúng vị trí thân bồn và chân đỡ bồn, gắn bát khóa đầy đủ, lắp đúng/đủ đường nước vào và nước ra…. đúng như hướng dẫn của nhà sản xuất.
Bảo quản bồn nước inox
– Phải thường xuyên kiểm tra vệ sinh bồn (định kỳ 1 – 3 tháng/lần tùy nguồn nước), vệ sinh bằng vải mềm.
– Kiểm tra vị trí lắp đặt, giá đỡ (định kỳ 3 – 6 tháng/lần).
– Sau 5 năm, nên kiểm tra vị trí lắp đặt, giá đỡ để thay thế, sửa chữa, gia cố chân, giá đỡ, tháp cho an toàn. Sau khi sửa chữa (kiểm tra định kỳ 6 tháng – 1năm/lần).
– Sau 10 năm nên thay thế giá đỡ, tháp… để được an toàn hơn.
Ông Nguyễn Nam
Uyển Hương/Báo Gia đình & Xã hội– Phải thường xuyên kiểm tra vệ sinh bồn (định kỳ 1 – 3 tháng/lần tùy nguồn nước), vệ sinh bằng vải mềm.
– Kiểm tra vị trí lắp đặt, giá đỡ (định kỳ 3 – 6 tháng/lần).
– Sau 5 năm, nên kiểm tra vị trí lắp đặt, giá đỡ để thay thế, sửa chữa, gia cố chân, giá đỡ, tháp cho an toàn. Sau khi sửa chữa (kiểm tra định kỳ 6 tháng – 1năm/lần).
– Sau 10 năm nên thay thế giá đỡ, tháp… để được an toàn hơn.
Ông Nguyễn Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét